Hòa Bình xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững
VHO- Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh Hòa Bình có 1.492 mô hình Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” với gần 13.732 thành viên tham gia, 1.305 Câu lạc bộ phát triển gia đình bền vững, 54 mô hình “Xóm kiểu mẫu”, “Gia đình kiểu mẫu”, 1.099 nhóm PCBLGĐ, 83 số điện thoại đường dây nóng...
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình năm 2019 do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức
Có thể nói việc triển khai có hiệu quả các nội dung về công tác gia đình của tỉnh Hoà Bình đã đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả khả quan.
Những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể
Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp phối hợp triển khai thực hiện 3 mục tiêu, 12 chỉ tiêu đó là: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; PCBLGĐ, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống tốt đẹp của gia đình các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; Thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; Mục tiêu 3, gồm 3 chỉ tiêu cụ thể nhằm đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc y tế đến từng hộ gia đình, trong đó có hộ nghèo và hộ cận nghèo với những chính sách thiết thực dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình đươc cả hệ thống chính trị tỉnh quan tâm vào cuộc và hướng đến mục tiêu “để không ai bỏ lại phía sau”...
Từ các mục tiêu chung, năm 2019 Hòa Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ đó là: 95% hộ gia đình được tuyên truyền phổ biến và đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; Phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ... Bên cạnh đó là tỷ lệ các hộ gia đình có BLGĐ giảm 10% - 15%, tỷ lệ hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội giảm 10 - 15%, tỷ lệ hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định giảm 12 - 15%.
Có được những kết quả đạt được về công tác PCBLGĐ, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã luôn chú trọng công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của mọi người dân, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, ổn định và bền vững. Chương trình giáo dục đời sống gia đình nhằm cung cấp cho các cho các thành viên trong gia đình những kiến thức chung về đời sống gia đình, những điều kiện cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân và gia đình, giáo dục đời sống gia đình đối với gia đình trẻ, gia đình độ tuổi trung niên, gia đình người cao tuổi. Đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác gia đình, sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội và thành viên gia đình thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình. Tổ chức tuyên truyền về xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác gia đình, lồng ghép vào các hoạt động kỷ niệm các Ngày Quốc tế Hạnh phúc; Ngày Gia đình Việt Nam; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Tháng hành động bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Những khó khăn cần được tháo gỡ
Bên cạnh những thành tích đạt được thì công tác gia đình nói chung, PCBLGĐ ở tỉnh Hòa Bình cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Bộ máy tổ chức còn nhiều bất cập, do sáp nhập nên việc sắp xếp cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở chưa đúng chuyên môn, chủ yếu là kiêm nhiệm; Cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp thường xuyên luân chuyển công tác, do đó công tác tham mưu triển khai thực hiện công tác gia đình hiệu quả chưa cao; Kinh phí dành cho công tác gia đình còn hạn chế không đáp ứng được nhu cầu công việc đề ra, do đó kết quả triển khai thực hiện công tác gia đình hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là cấp cơ sở chưa có nguồn kinh phí phân bổ để thực hiện công tác gia đình. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tuy đã triển khai nhưng một số nơi vẫn còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu nên nhận thức của một số bộ phận nhân dân còn hạn chế.
Chia sẻ những khó khăn, thách thức từ công tác gia đình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu kiến nghị với Bộ VHTTDL cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để bố trí nguồn kinh phí để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất phương án để ổn định bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở về công tác gia đình; Phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình để các địa phương có cơ sở thực hiện. Hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác tuyên tuyền về gia đình để cấp phát cho cán bộ làm công tác gia đình tại cơ sở.
HIỀN LƯƠNG